Ngổn ngang những khó khăn
Theo quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2025 đã được Bộ Công thương phê duyệt, thì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành nhựa giai đoạn 2011 – 2020 sẽ đạt 17,5%, tỷ trọng ngành nhựa so với toàn ngành công nghiệp đến năm 2020 đặt 5,5%. Theo đó, mục tiêu phát triển của ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020 sẽ trở thành một ngành kinh tế mạnh với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Từng bước xây dựng và phát triển ngành nhựa đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến chế biến sản phẩm cuối cùng, tận dụng và xử lý phế liệu phát sinh, tăng dần tỷ trọng nguyên liệu trong nước để trở thành ngành công nghiệp tự chủ, có khả năng hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới.
Để đạt được mục tiêu đề ra thì ngành nhựa cần phải làm rất nhiều việc, bởi thực tế ngành nhựa cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể như mẫu mã chủng loại của ngành nhựa do Việt Nam sản xuất còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà nhập khẩu cũng như người tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, chất lượng một số sản phẩm về nhựa của Việt Nam cũng chưa rõ ràng và đảm bảo nên người tiêu dùng tin và sử dụng các sản phẩm nhựa do Việt Nam sản xuất.
Cũng theo số liệu của Bộ Công thương thì cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa, trong đó hơn 80% tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều sản xuất với quy mô gia đình nên năng lực cạnh tranh thấp. Chính vì thế hơn 90% doanh nghiệp nhựa của Việt Nam là xưởng gia công cho nước ngoài, chưa làm chủ được thương hiệu cũng như sản phẩm của công ty mình.
Đặc biệt, ngành nhựa đối mặt một vấn đề nan giải đó là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu mà vẫn phải nhập của nước ngoài, nên giá cả bấp bênh không ổn định, nên mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhưng ngành nhựa Việt Nam chủ yếu được biết đến như một ngành gia công chất dẻo, giá trị gia tăng thấp.
Theo ông Trần Việt Anh – Phó chủ tich Hội Cao su – nhựa TP Hồ Chí Minh thì Việt Nam đang bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu của các nước trong khu vực, hiện ngành nhựa Việt Nam đang bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo thống kê, trung bình mỗi năm ngành nhựa cần 2,2 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất nhưng trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng 450.000 tấn (tương đương với 20 nhu cầu), còn lại 80% nhập khẩu từ Hàn Quốc, Ả Rập… Điều này dẫn đến việc không những giá thành sản phẩm kém cạnh tranh, ngành nhựa còn đối mặt với thực trạng nhập siêu nguyên liệu, hàm lượng giá trị gia tăng thực thu ở mức gần như không đáng kể. Việc chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất và hình thành công nghiệp hỗ trợ gây trở ngại cho sự tăng trưởng bền vững của ngành nhựa Việt Nam.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Mục tiêu rất quan trọng của ngành nhựa Việt Nam trong thời gian tới là đầu tư để chủ động một phần nguyên liệu sản xuất trong nước. Cụ thể, vào năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa sẽ đạt 7 tỷ USD và từng bước chủ động được nguồn nguyên liệu.
Thời gian qua, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp nhựa các nước trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á. Đây là một trong những yếu tố quan trọng, thúc đẩy ngành nhựa Việt Nam phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15-20%/năm, đáp ứng ngày càng cao cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp nhựa cũng tăng cường liên kết với thương vụ nước ngoài và một số công ty cung cấp thiết bị quốc tế để giới thiệu công nghệ và nguồn nguyên liệu mới…Thêm vào đó ngành nhựa là một trong ngành Nhà nước ưu tiên phát triển do có tăng trưởng tốt và ổn định, xuất khẩu khá mạnh và sản phẩm có khăn năng cạnh tranh cao.
Nhà nước đã có chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành nhựa, và định hướng đến năm 2020 nhập khẩu nguyên liệu của ngành chỉ còn khoảng 50%. Cùng với đó Nhà nước cũng khuyến khích để huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào khâu sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa, để có thể hỗ trợ các ngành khác cùng phát triển.
Theo ông Ahmad Khairuddin – Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững (SDC) của APE thì từ khi ra gia nhập AFPT, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tể nổi lên trong khu vực Đông Nam Á, trong đó ngành nhựa là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.
Cũng theo ông Ahmad Khairuddin thì thời gian này do nhiều sự kiện gây những bất ổn cho nền kinh tế thế giới, nhu cầu suy giảm, giá nhựa giảm mạnh, giá năng lượng tăng vọt, lao động thiếu hụt, chi phí hoạt động cao… là những thách thức mà ngành nhựa phải đương đầu. Để vượt qua được những khó khăn này, các thành viên của AFPI cần phát huy hết năng lực của mình, đồng thời nâng cao năng suất, duy trì khả năng cạnh tranh…
Tú Lan